Giảm thuế nhập khẩu nông sản: Hoa quả ngoại sẽ ngập chợ Việt?

Thuế nhập khẩu chưa giảm, các mặt hàng rau củ quả Thái Lan đã chiếm lĩnh thị trường. Kể từ ngày 1/1/2018, nhiều mặt hàng rau - củ  quả nhập khẩu (NK) từ các nước ASEAN mức thuế chỉ còn 0%, điều này sẽ tạo ra không ít thách thức cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Giảm thuế nhập khẩu nông sản: Hoa quả ngoại sẽ ngập chợ Việt?

Thuế nhập khẩu giảm sẽ là một thách thức đối với nền nông nghiệp nước nhà. ảnh: K.O

Thuế giảm, kẻ vui người buồn

Năm 2017, ước tính VN đã chi hơn 1,55 tỉ USD NK rau quả các loại, tăng 68% so với năm 2016. Trong đó, dẫn đầu xuất khẩu rau quả vào Việt Nam là Thái Lan, đứng thứ hai là Trung Quốc. Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1/2017 - 11/2017, VN đã chi 793,8 triệu USD NK hàng rau quả từ Thái Lan.

Như vậy, Thái Lan đã vươn lên thành thị trường cung cấp rau củ quả lớn nhất cho Việt Nam với gần 50% thị phần. Trong khi đó, Trung Quốc - nước mà chúng ta nhập khẩu nhiều những năm trước - hiện chỉ còn cung cấp chính ngạch hơn 262,39 triệu USD mặt hàng rau củ quả, chỉ bằng khoảng 35% so với Thái Lan.

Hầu như các loại trái cây của nước láng giềng đã có mặt ở khắp các vùng miền, từ siêu thị đến chợ nhỏ của VN như: Xoài, sầu riêng, măng cụt, me, chôm chôm, bòn bon… Với mức giá tương đồng với các loại rau quả trong nước lại được gắn mác “hàng ngoại” nên rau quả Thái Lan được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Chị Mai Thu Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Vào các siêu thị lớn nhỏ hay ra ngoài chợ, tôi thấy có rất nhiều loại hoa quả của Thái Lan. Bản thân gia đình tôi cũng rất hay mua một số loại hoa quả của Thái như mít, xoài, sầu riêng,.. So với các loại hoa quả Việt Nam, một số loại quả của Thái có mức giá khá rẻ mà chất lượng cũng ngon, hơn nữa tôi cũng có sự tin tưởng nhất định với hàng Thái”.

Khi thông tin, kể từ ngày 1/1/2018, nhiều mặt hàng rau - củ - quả nhập khẩu từ các nước ASEAN mức thuế chỉ còn 0%, nhiều người tiêu dùng, những nhà nhập khẩu tỏ ra vui mừng, còn những nhà sản xuất trong nước có đôi chút lo lắng khi phải đối diện với những thách thức.

Chị Nguyễn Xuân Hồng – giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối các loại rau – củ - quả Thái Lan cho biết: “So với nhiều loại hoa quả nhập khẩu châu Âu thì hoa quả từ Thái Lan hay một số nước trong khu vực Asean có mức giá rẻ hơn nhiều. Trong khi đó, một số sản phẩm lại có chất lượng nhỉnh hơn so với các loại hoa quả trong nước nên các mặt hàng này thường rất đắt hàng. Thuế giảm, sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi có thêm sức cạnh tranh trên thị trường”.

Còn với ông Hoàng Đình Rư – chủ một nhà vườn trồng sầu riêng tại Lâm Đồng thì lại tỏ ra lo lắng trước thông tin: “Hiện tại với các mặt hàng có xuất xứ Thái Lan hay một số nước châu Á có đã mức giá tương đồng với hoa quả Việt, chúng tôi đã phải rất vất vả để cạnh tranh. Nếu thuế giảm, các mặt hàng này giảm giá nữa thì đây thực sự là một thách thức với chúng tôi. Trong điều kiện như vậy, buộc chúng tôi phải thay đổi để có thể cạnh tranh”.

Cơ hội trong thách thức

Trái ngược với những lo lắng của nhà sản xuất thì không ít chuyên gia lại cho rằng việc áp thuế nhập khẩu 0%, khiến cho nông sản Việt gặp khó nhưng đồng thời sẽ tạo nên lợi thế để Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của mình. Bởi cạnh tranh cũng chính là một cơ hội mà Việt Nam phải tận dụng. Nếu tận dụng tốt, đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam vươn lên và bứt phá.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: Thuế giảm là một trong những nhân tố làm cho giá giảm, thuế là một yếu tố về giá, mà khi thuế giảm thì chắc chắn giá sẽ giảm. Đây là một trong những thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát 2018.

“Hiện tại, lượng nông sản NK từ Thái Lan đang chiếm thị phần rất lớn. Mà đặc điểm hàng Thái Lan lại rẻ hơn giá hàng Việt Nam, chất lượng cũng có thể tốt hơn một phần nào đó. Trong bối cảnh như trên, thì đây là một thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam. Nếu nông nghiệp Việt Nam không biết cải tiến tốt chất lượng đầu vào từ giống, chi phí sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm... thì khi hàng Thái Lan, Trung Quốc vào Việt Nam, cộng thêm mức thuế được giảm thì đây sẽ là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam” ông Long cho hay.

Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định việc thuế giảm cũng sẽ là cơ hội đối với ngành nông nghiệp nước nhà nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, biết cách cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu. Thách thức cũng là cơ hội, nếu chúng ta không biết vượt qua thách thức thì cơ hội đó cũng không tận dụng được.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang khuyến khích, đang hướng đầu tư vào nông nghiệp, tạo mọi điều kiện để phát triển. Năm 2017, trong điều kiện khí hậu, kinh tế khó khăn nhưng sản xuất của nông nghiệp cũng tăng trưởng rất cao, cao nhất trong 4 năm gần đây. Đây là tiền đề tạo cơ hội cho nông nghiệp tiếp tục phát triển.

Trước tình hình trên, ông Long cũng đưa ra một số giải pháp: Nhà nước phải tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn. Cái đó, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng. Chính sách đưa ra thì rất đúng nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa làm được tốt. Hy vọng, khi có những thách thức như vậy thì nền nông nghiệp sẽ biết cách vượt qua để tạo cơ hội phát triển...

Theo cam kết khi tham gia ACFTA, hàng nghìn mặt hàng từ các nước thành viên ACFTA nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được Bộ Công thương quy định sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0% khi vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 128/2016 về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018. Theo đó, hàng nghìn mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp như rau củ quả, thực phẩm… được áp ngay thuế suất 0% từ năm 2016 – 2018. Một số dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020.

Theo GiaDinh